Ruộng bậc thang là cảnh quan văn hóa ngoạn mục tại các sườn núi dốc của Ai Lao Sơn cao chót vót và của vực sâu hiểm trở bên sông Hồng. Trong 1.300 năm qua, người dân Hà Nhì đã phát triển một hệ thống phức tạp các kênh để đưa nước từ đỉnh núi vào các ruộng bậc thang. Họ cũng đã tạo ra một hệ thống canh tác tổng hợp, chăn nuôi trâu, bò, vịt, cá, lươn và sản xuất lúa gạo đỏ, cây trồng chính của khu vực.
Đây là khu vực có lịch sử lên tới 1.200 năm. Vùng trung tâm của ruộng bậc thang nằm ở Nguyên Dương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Khu vực này có 1 triệu ha và 16.600 ha đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Người dân thờ thần mặt trời, mặt trăng, núi, sông, rừng và các hiện tượng tự nhiên khác. Họ sống trong 82 ngôi làng nằm giữa núi rừng và ruộng bậc thang. Hệ thống quản lý đất đai của ruộng bậc thang thể hiện sự hài hòa đặc biệt giữa con người và môi trường tự nhiên, cả về trực quan và sinh thái, dựa trên cấu trúc xã hội và tôn giáo đặc biệt, lâu dài
Ở đây thường trồng một vụ trong năm, bắt đầu vào tháng 4 và thu hoạch vào tháng 9. Kết thúc mùa gặt, từ giữa tháng 9 đến tháng 11, những bậc ruộng luôn đầy ắp nước cho tới mùa cấy năm sau. Những mảng nước trong ruộng tạo thành những chiếc gương đa chiều, trong suốt khi nhìn từ trên cao xuống.
Giới nhiếp ảnh bị những thửa ruộng bậc thang mê hoặc, mùa nào cũng có không ít người lặn lội đường xa đến với Nguyên Dương, tìm tòi những góc chụp đẹp nhất. Từ sớm tinh mơ đến đêm, mỗi khoảnh khắc lại thấy cánh đồng mang một vẻ đẹp khác.
Thời điểm lý tưởng mà du khách nên chụp ruộng bậc thang là 30 phút trước khi mặt trời lặn. Khi đó, mặt nước loang loáng trên những thửa ruộng như một tấm gương phản chiếu màu sắc kỳ ảo của bầu trời. Sắc hoàng hôn của nền trời phản chiếu xuống cánh đồng ngập nước tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động, hùng vĩ.
Những ruộng lúa Nguyên Dương được coi là khu vực chính của vùng đồng bằng Hà Nhì bởi vì vùng đất này rất gập ghềnh, với khoảng 3.000 bậc thang được khắc vào các dốc từ 15 đến 75 độ.